Làm sao để tập trung hơn? (phần 2)

Alo Alo mình đã quay trở lại rồi đây. Haizza lâu quá không viết nên có vẻ blog này đang móc meo rồi ý nhỉ. Dù tới giờ mình cũng không biết là có ai vào đọc bài của mình không, nhưng mình vẫn cứ viết thôi. Mình thấy viết cũng là một cách để giải tỏa và khiến bạn có nơi để bày tỏ chính mình. Ầy sao mình lại nói về chuyện viết này kia trong một bài về cách để tập trung hơn nhỉ?! Bạn sẽ biết ngay sau đây thôi.

Như trong phần một mình có nói, tập trung theo đúng nghĩa đen của nó chính là việc bạn dành sự chú ý của mình vào một thứ gì đó. Trong phần hai này, mình sẽ nói chi tiết hơn về việc này. Nếu chúng ta đang không tập trung vào việc đang làm, vậy có bao giờ chúng ta dừng lại vài giây và hỏi bản thân rằng tại sao chúng ta không thể tập trung chưa? Nếu chưa thì đây cũng là một lý do cho việc tại sao chúng ta cứ mãi không tập trung đấy.

Hãy dừng lại việc đang làm và suy nghĩ xem mình đang nghĩ gì trong đầu để khiến mình không tập trung? Đó có phải là việc lát nữa có phim nào hay ho sắp chiếu không? Hay là lát nữa nhỏ bạn thân ghé qua chở đi chơi mà chưa chọn được cái váy nào đẹp? Cũng có thể là ngày mai có trận đá banh đỉnh cao nào đó và chúng ta cứ mãi suy nghĩ đội nào sẽ thắng…

Nào, bạn đã tìm ra được nguyên nhân rồi phải không. Cùng đọc tiếp nhé!

Chúng ta đều như vậy cả! Không bao giờ chúng ta có thể dành 100% sự tập trung và chú ý của mình vào việc đang làm, đang diễn ra được. 100% là tỷ lệ gần như không thể xảy ra. Vấn đề là ở chỗ làm sao để “cắt giảm”, “kiểm soát” sự mất tập trung mà thôi.

Mình sẽ chia sẻ cách mình thường hay áp dụng cho các bạn. Nếu đó là một vấn đề nghiêm trọng, bạn không thể để nó sang một bên để giải quyết xong việc hiện tại và nó cứ quanh quẩn trong đầu bạn. Cách tốt nhất chính là chúng ta dừng việc đang làm và giải quyết vấn đề đang quẩn quanh trong đầu ngay. Sau khi giải quyết xong khúc mắc của mình, bạn quay lại với công việc dang dở, mình tin chắc là khi đó bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái và làm việc nhanh, hiệu quả hơn. Chúng ta không nên cố gắng dẹp suy nghĩ ấy đi bằng cách “đấu tranh”, “vật lộn” với nó. Điều đó chỉ làm bản thân thêm căng thẳng và cuối cùng là không việc nào hoàn thành tốt cả.

Trường hợp tiếp theo, chúng ta thường bị mất tập trung bởi những điều mang tính vui chơi và thú vị. Ví dụ như mình đã nói ở trên là phim đang hot, bạn ghé nhà chơi, lát nữa tivi chiếu đá banh của tuyển mình thích,… Ở trường hợp này, chúng ta không thể dừng hẳn công việc của mình để vui chơi quá đà được phải không nào? Nào bây giờ là lúc bạn thật sự phải hiểu tâm trí của mình và thông cảm cho “bạn hiền” ấy. Vì chúng ta không thể nào không ham chơi, ham làm điều mình thích được phải không? Sau đây, mình sẽ chia sẻ hai cách đơn giản để giảm thiểu những suy nghĩ mất tập trung này nhé!

Đầu tiên, nếu việc bạn đang nghĩ trong đầu sẽ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn sắp tới. Hãy nhắm mắt lại và nhẹ nhàng nói với chính mình rằng: “Được rồi! Tập trung làm việc thôi nào, làm xong là lát nữa sẽ được tha hồ xem đá banh ngay/đi chơi ngay/…”. Khi bạn nói với não bộ của mình như vậy thì trong tích tắc sẽ suy nghĩ của bạn sẽ được đánh thức và tập trung vào việc hiện tại, với mục đích “xong là tha hồ bay nhảy”. Đây là cách “đánh lừa” bản thân khá hiệu quả đấy!

Thứ hai, nếu điều làm bạn phân tâm không phải là việc sắp diễn ra mà là một dạng suy nghĩ bâng quơ, vu vơ như “nhỏ A thích thằng B nè”, ” có phải bạn ý thích mình không ta, thấy nhìn mình hoài”, ” sao hôm nay giáo viên khó chịu với lớp quá vậy”. Mình tin là bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu với những suy nghĩ “lặng thầm” như vậy trong đầu, mà bạn không thể khống chế nó để làm việc tốt hơn được. Mình cũng vậy, tất cả chúng ta sẽ không thể bắt nó dừng lại hoàn toàn được. Vì vậy, chúng ra không cần bắt nó dừng lại hoàn toàn. Khi dạng suy nghĩ này bất chợt đến trong đầu bạn lúc đang làm việc và quá mạnh mẽ. Với mình, hãy tạm dừng công việc trong 5 phút và dành riêng khoảng thời gian ấy để thoải mái suy tư về điều trong đầu bạn. Sau đó, chúng ta có thể quay trở lại công việc. Tuy nhiên, để hạn chế suy nghĩ “ngoài lề” này, hãy đặt “lịch hẹn” với nó. Bạn có thể dành ra 5-10 phút trước khi ngủ để chỉ hoàn toàn thả lỏng suy nghĩ cho những điều này. Nó sẽ giúp bạn giảm bớt thắc mắc về những điều bị “kẹt” lại trong đầu bạn, giúp bạn thoải mái hơn và tập trung hơn trong công việc thường ngày. Và khi dòng chảy suy nghĩ đó lại xuất hiện bất chợt trong lúc bạn cần sự tập trung, thì bạn có thể nhẹ nhàng bảo với nó rằng “Chờ tí nha, tối nay tha hồ mà vẩn vơ”. Lâu dần, não bộ sẽ hình thành thói quen và sẽ “nghe lời” bạn hơn, khiến bạn ít bị phân tâm hơn.

Nào hãy thử những cách ở trên ngay hôm nay nhé. Sẽ rất hiệu quả đấy!

Hẹn gặp bạn trong phần ba với một khía cạnh hoàn toàn khác về sự tập trung.

 

Leave a comment