3 cách đọc sách cần biết – Chuyện đọc sách

Mình là một đứa thích đọc sách. Mình không phải mọt sách. Vì không phải lúc nào mình cũng kè kè cuốn sách bên cạnh, cũng không phải gần như ngày nào cũng cắm mặt vào sách. Nhưng đọc sách là một sở thích mình cực kì “yêu”. Mỗi lần đọc sách, mình cảm nhận mình được thư giãn và học hỏi rất nhiều dù không phải cuốn sách nào đọc xong mình cũng nhớ hết.

Mình thường thấy một số bạn bảo thường thì 1 tuần chúng ta nên đọc hết 1 cuốn sách (trung bình 350 trang). Nếu không đọc hết một cuốn sách như vậy trong vòng 1 tuần là đọc chậm và không có thói quen đọc sách. Tuy nhiên, điều này có vẻ chưa hợp lý lắm.

Đối với cá nhân mình, sách có nhiều thể loại nhưng có 3 kiểu đọc sách rất cần thiết cho người thường hay đọc. Mỗi thể loại sách, hay mỗi cuốn sách chúng ta cần có cách đọc phù hợp để năm bắt và thật sự trải nghiệm, học hỏi từ những quyển sách ấy. Dưới đây là 3 cách mà mình thường áp dụng để đọc sách, dù mình đọc không nhiều thậm chí có hơi chậm nhưng mình nghĩ cách này hiệu quả với mình và có khi cũng hiệu quả với bạn. Hãy cùng xem thử nhé:

1. Đọc nghiền ngẫm, thực hành:

Theo mình, cách đọc này dành cho các thể loại sách như dạy kỹ năng, sách hướng dẫn thực hành (như nấu ăn, làm hoa, dạy nghề,…); sách chuyên môn về một lĩnh vực nào đó. Nói chung, những loại sách đòi hỏi người đọc nếu thật sự muốn nhận thấy lợi ích hoặc học hỏi từ nó thì không thể chỉ đọc mà còn phải chắt lọc lại, thực hành và áp dụng vào trong cuộc sống thường ngày.

Đối với cách đọc này, chúng ta sẽ không chỉ đọc một lần mà thường ít nhất khoảng 3 lần, thậm chí nhiều hơn hoặc nó là những cuốn sách mang tính cẩm nang mà chúng ta sẽ đọc lại mỗi khi gặp phải trường hợp cần đến.

 

Lần đầu tiên, đọc hết toàn bộ cuốn sách một lượt từ đầu đến cuối để nắm bắt hết nội dung và ý chính mà tác giả muốn chia sẻ. Lần thứ 2, chúng ta đọc theo từng phần và từng mục. Đặc biệt, với những cuốn sách về kỹ năng mềm hay chuyên môn nào đó thì từng mục riêng thường sẽ được phân ra để người đọc năm bắt và thực hành từng bước. Ở lần  này, chúng ta nên đọc để hiểu thật kĩ từng mục và chắt lọc lại những điều cần thiết với chúng ta theo từng mục và thử áp dụng, thực hành ngay trong đời sống thường ngày. Chúng ta có lẽ sẽ phải đọc rất lâu mới hết một quyển sách nhưng mình tin rằng nếu chúng ta thật sự có quyết tâm và muốn “lĩnh hội” hết những được chia sẻ từ tác giả thì không cách gì khác ngoài “vừa đọc, vừa làm”

Vậy thì lần thứ 3 để làm gì? Lần thứ 3 chúng ta đọc lại sau khi đã đọc xong lần thứ hai là một cách “review” những gì mình đã thực hành, làm được cũng như xem mình đã thật sự học được gì, cách làm của tác giả có hợp lý trong hoàn cảnh của mình không, có điều gì tác giả đã ghi nhưng mình bỏ sót nên chưa hiệu quả. Thậm chí, lần thứ ba ta có thể bắt đầu suy nghĩ cách áp dụng cho chính cá nhân mình nếu như cách của tác giả là chưa thật sự phù hợp với mình.

Ở những lần đọc sau là mang tính tham khảo và “ôn lại” khi cần thiết để từ đó những kỹ năng và kiến thức ấy trở thành của chính chúng ta chứ không phải chỉ của tác giả nữa.

Đây là cách đọc sách công phu và tốn nhiều thời gian nhất nhưng theo mình cũng là cách đọc đặc biệt, hiệu quả nhất. Khi chúng ta đọc lần đầu tiên một cuốn sách nào đó, nếu đó là quyển sách thật sự cần thiết để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho bản thân thì việc đọc đi đọc lại nhiều lần và áp dụng nó thật không hề phí một tí nào. Nếu bạn thật sự có quyết tâm lĩnh hội thì còn chần chờ gì nữa mà hãy chọn ngay cho mình quyển sách như vậy để thử nhé.

Sách mình gợi ý cho bạn: 13 Nguyên Tắc Nghĩ Giàu, Làm Giàu; Thuật Đọc Nguội

2. Đọc một lần:

Các thể loại sách như thơ ca, văn học, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết thì mình nghĩ là thể loại phù hợp để đọc một lần. Đây là những quyển sách có thể giúp bạn duy trì thói quen đọc sách của mình, giúp chúng ta dễ chú ý và “bị cuốn” vào những trang sách nhiều hơn từ đó dễ hình thành thói quen đọc. Tại sao lại như vậy? Thường thì những thể loại sách này có rất nhiều tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn và hình ảnh cùng với nhân vật rõ ràng hơn. Tuy nhiên, những quyển sách này không hề vô bổ tí nào cả mà quan trọng là ở cách chúng ta lựa chọn sách phù hợp với mình. Rất nhiều sách văn học, tiểu thuyết kể những câu chuyện có thật hoặc hư cấu nhưng mang tính giáo dục cao, ý nghĩa sâu sắc. Những câu chuyện trong đó sẽ giúp chúng ta cảm nhận một cách rất tự nhiên và ghi nhớ lâu hơn so với các sách thực hành, lý thuyết đơn giản.

 

Việc đọc các loại sách này sẽ giúp chúng ta có nhiều cái nhìn mới hơn về con người và cuộc sống rất thú vị, đôi lúc còn có thêm ý tưởng cho hàng loạt dự định và mối quan hệ của chúng ta. Đây cũng là một cách thư giãn, tận hưởng cuộc sống và trau đồi ngôn từ trong giao tiếp và viết lách rất hiệu quả. Hãy chọn cho mình những cuốn sách yêu thích và phiêu lưu cùng nó nhé.

Sách mình gợi ý cho bạn: Cửa Tiệm Thời Gian, 5 centimet trên giây, ông già và biển cả

3. Đọc lại nhiều lần:

Đây là cách đọc sách mang cảm tính nhất trong ba cách đọc, bởi vì quyết định đọc đi đọc lại một cuốn sách nào đó dựa vào yếu tố cảm nhận và yêu thích là chính. Tuy nhiên, mình nghĩ những cuốn sách mà mình sẽ chọn đọc đi đọc lại nhiều lần đó chính là những quyển sách mang cho mình cảm giác khích lệ, hay nhận ra rằng khi đọc một lần mình vẫn chưa thật sự cảm nhận hết ý tứ của tác giả.

Đó có thể là một cuốn sách dạng self-help (sách tự rèn luyện bản thân), sách tự sự tản mạn, sách chia sẻ kinh nghiệm, sách chuyên môn hay thậm chí là những cuốn sách vượt qua tầm hiểu biết của bản thân. Thậm chí, có những quyển sách ở những thời điểm khác nhau bạn sẽ cảm nhận nó theo một cách khác nhau, điều bạn nhận được từ nó cũng rất khác.

assorted books on shelf
Photo by Element5 Digital on Pexels.com

Cách đọc này có gì đặc biệt và nó khác gì với cách đọc đầu tiên mình nói với bạn? Mình tin chắc có nhiều bạn đang rất thắc mắc khi đọc phần này. Sự khác biệt giữa cách đọc nghiền ngẫm, thực hành và cách đọc nhiều lần này đó chính là tính thực tế. Với cách đọc đầu bài, chúng ta cần thực hành và vận dụng hết kiến thức của tác giả vào thực tế để học hỏi, chính xác, cách đọc này mang tính học tập là chính và dành riêng cho những quyển sách bạn nhận thấy nó cần thiết cho các kế hoạch và mục tiêu của bạn.

Còn với cách đọc nhiều lần, quyển sách đó có thể đã khiến bạn “động lòng”, bạn nhận thấy mình có nhiều cảm xúc với nó, có thể nhờ nó bạn cảm thấy được khích lệ, nhờ nó bạn cảm thấy tinh thần tốt hơn hoặc cảm thấy mới mẻ, thích thú. Nói chung, nó thiên về cảm xúc, tuy cảm xúc là điều nhất thời nhưng có những cái nhất thời lại rất quan trọng trong đời bạn. Vì vậy, những quyển sách đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng mỗi lần cảm xúc nó mang lại cho bạn khiến bạn cảm thấy tốt hơn thì còn gì bằng phải không!?

Trên đây là ba cách đọc sách mà mình thường dùng hay mình cũng thấy có vài người dùng giống mình. Nó có phù hợp với bạn hoặc không. Tuy nhiên, mình tin rằng cách đọc càng nhiều sách càng tốt và phải đọc mỗi tuần một quyển sách thì không hẳn là phù hợp và đúng với tất cả mọi người.

photo of person flipping book page
Photo by Lisa Fotios on Pexels.com

Không quan trọng bạn đọc bao nhiêu cuốn sách, bao lâu, quan trọng là sau mỗi quyển sách điều gì còn ở lại với bạn. Hãy chọn cho mình cách đọc phù hợp nhất, thời gian đọc mà mình thích và tận hưởng cuốn sách trên tay bạn. 

Quyển sách bạn đang đọc hay mới đọc gần đây là gì? Chia sẻ cùng mình và mọi người nhé. 

Leave a comment